Ngày bé, tôi đã từng rất rất sợ mẹ tôi _ Bài dự thi: "Mẹ, người phụ nữ đẹp nhất trong mắt tôi" - 26
Mẹ tôi bị cận thị rất
nặng, thời tôi đi học, cũng rất ít người bị cận vì thế nên thời của bà bị cận
là rất hiếm. Mọi người bảo mẹ tôi bị cận vì bà ham học, ham đọc lắm. Bà ngoại
tôi thường kể câu chuyện mẹ tôi mải đọc sách tới nỗi lúc nấu cơm suýt nữa thì đốt
cháy cả cái bếp. Cụ tôi tức bà nội của mẹ rất tức giận đã mang vứt hết sách của
mẹ ra sân và bảo con gái thì học nhiều làm gì.
Mẹ tôi là người phụ nữ
thông minh, ham học và rất có chí tiến thủ. Tôi nhớ, năm bà ba mươi sáu tuổi, cái tuổi
mà giờ nhiều người đã an phận, bà vẫn đi học thêm tiếng Anh mỗi tối để thi cái
bằng B. Lúc đó tôi học lớp sáu, cũng bắt đầu học tiếng Anh, còn về dạy mẹ. Bà học
chăm lắm, hàng tối đều đọc sách tiếng Anh, mỗi ngày đều chăm chỉ học từ mới, viết
ra khắp các tờ giấy lịch bà xé hàng ngày. Sau đó bà không còn cần phải để đứa
amatơ như tôi dạy cách phát âm, cách chia các thì nữa.
(Bà khéo léo đủ để bố tôi luôn hãnh diện thể hiện tình yêu thương với gia đình.)
Rồi dù chỉ mổ cò trên
bàn phím nhưng bà vẫn tìm hiểu về máy tính, về windows, về word, excel và mạng
internet. Tôi vẫn nhớ mẹ tôi cũng rất bảo thủ, cái gì bà nghĩ là đúng thì có giải
thích bằng trời cũng như không. Lần đầu tiên biết tôi vào mạng, bà đã gầm lên tức
giận vì lúc đó với bà mạng là cái gì đó thật xấu xa. Nhưng chỉ khoảng một tháng
sau, bà gọi tôi ra hàng nét và bảo tôi lập cho bà một cái thư điện tử và chỉ bà
cách dùng. Chắc sau khi tìm hiểu bà đã hiểu cái gì cũng có hai mặt của nó và mạng
cũng có cái tốt. Giờ bà còn dùng cả Facebook dù chỉ biết mấy tính năng cơ bản
như post ảnh, like và share.
Ai cũng bảo mẹ tôi
sáng suốt, biết tính toán và khéo léo trong giao tiếp, trong công việc, ham học
hỏi, có tài năng, bà nhanh chóng được bổ nhiệm chức vụ cao trong cơ quan. Bố
tôi thì lận đận hơn trong sự nghiệp, theo đánh giá của nhiều người ông là người
hiền lành và tốt đến mức khó có thể làm lãnh đạo. Một gia đình, vợ thì làm lãnh
đạo còn chồng chỉ là nhân viên thì rất là chênh lệch nhưng gia đình tôi vẫn êm ấm,
hạnh phúc. Tôi cũng thấy làm lạ vì sao bà làm được điều đó. Bà khéo léo đủ để bố
tôi luôn hãnh diện thể hiện tình yêu thương với gia đình. Bố tôi sẵn sàng đi chợ,
nấu cơm, dọn nhà, chăm sóc các con để mẹ tôi phấn đấu.
Trong gia đình, mẹ tôi
là người con cả giỏi giang, học thức nhất trong gia đình rất đông anh chị em. Trong
sự nghiệp, bà là người phụ nữ thành đạt. Nhưng ít ai thấy sự yếu đuối của bà.
Bà từng cùng tôi khóc đỏ cả mắt khi con mèo con nhà tôi bị chết phải đem chôn.
Ngày cậu tôi gặp tai nạn, chảy máu ở đầu rất nhiều. Bà lo lắng, bấn loạn, đứng
bên cửa sổ khóc nức nở như một đứa trẻ bị đòn oan. Lúc này bà không biết làm
gì. Sự thông minh, sáng suốt của bà biến mất nhường chỗ cho sự lo lắng, đau khổ.
May mà có bố tôi.
Giao tiếp tốt, cởi mở,
hòa nhã với người ngoài nhưng với các cậu các dì và các con, bà lại thường hay
dùng những lời cay nghiệt. Từ bé, tôi sợ mẹ, mỗi khi nhìn đôi mắt sắc và lạnh của
mẹ sau cặp kính dầy là hồn vía tôi bay hết. Mẹ rất hay quát mắng chúng tôi khi
bà không vừa ý. Tôi vẫn nhớ hồi bé, mỗi lần mẹ cắt tóc là tôi lại khóc. Cái kéo
thì cùn, bà day hết sức để dứt mớ tóc rễ tre của tôi ra khỏi đầu, thành thử sau
khi kết thúc thành quả là cái đầu của tôi nham nhở, chỗ dày chỗ mỏng, hệt như đầu
của một thằng con trai. Với bà, trẻ con thì chẳng chẳng cần đẹp, chỉ cần thoáng
mát, dễ gội đầu cho bớt chấy. Hiệu quả hơn thẩm mỹ. Rồi bà dạy tôi học, mỗi khi
giảng bài xong, bà hỏi “hiểu chưa” là tôi gật đầu lia lịa "hiểu ạ, hiểu ạ" dù
tôi chẳng hiểu cái mốc gì. Nhưng sao dám nói không hiểu với mẹ.
(Tôi đã lớn, đã trưởng thành, đã hiểu chuyện hơn và cũng đã không còn sợ mẹ như trước nữa. Giữa tôi với bà dường như đã có sự thấu hiểu, sự thấu hiểu mà không cần nói bằng lời.)
Tôi vẫn nhớ năm
tôi học trường năng khiếu, tôi được chọn vào cả đội tuyển văn và toán. Tôi thì
thích học văn nhưng mẹ tôi vẫn kiên quyết bắt tôi học đội tuyển toán vì theo bà
văn chương sẽ khiến đời tôi mông muội dù cô giáo toán bảo sức học môn này của
tôi không thật nổi trội. Không dám cãi, tôi răm rắp nghe lời. Tôi sợ mẹ lắm. Sợ
từ bé tới tận lúc học hết cấp ba và đỗ vào đại học.
Lên đại học, mẹ bắt đầu
thay đổi thái độ với tôi. Tuần đầu tiên tôi xa nhà, bà gọi điện lên cho tôi hỏi:
“Có nhớ nhà không”. Tôi hồn nhiên trả lời: "Không ạ, phòng con mấy đứa khóc rưng
rức vì nhớ nhà đấy”. Bà cười bảo: "Mày giống mẹ, chẳng biết nhớ nhà là gì”. Tôi
vốn vô tư, vô tâm, chẳng bao giờ nhớ gọi điện hỏi thăm bố mẹ. Bà thường hàng tuần
đều gọi cho tôi, hỏi thăm tôi, thái độ vui vẻ.
Bà gửi cho tôi tiền hàng tháng đều
đặn vào tài khoản dù chẳng cần tôi mở lời xin. Rất lạ, tôi hỏi thì bà bảo: "Mẹ
phải nghiêm khắc với con để con trưởng thành. Bây giờ con lớn rồi, hiểu chuyện
nên mẹ mới nói với con. Trước nay mẹ luôn tin tưởng con vì mẹ biết tính con."
Thì ra những lần bà đi chợ về vứt tiền lung tung không phải là vô tình mà cố ý
để xem tôi và em tôi cư xử thế nào. Tôi thì chẳng tơ hào một đồng như thằng em
nghịch ngợm của tôi. Thì ra bà luôn theo dõi sự trưởng thành chúng tôi một cách
âm thầm. Thì ra mẹ tôi cư xử với tôi khác lạ vì bà muốn dạy tôi lớn theo cách của
bà. Có thể nó cực đoan theo cách hiểu của một đứa trẻ chưa lớn là tôi nhưng với
bà, đó là cách giúp tôi trưởng thành.
Giờ mẹ tôi đã
già, tóc đã bạc quá nửa, bà đã về hưu, hàng ngày chỉ cơm nước cho mấy bố
con tôi và xem tin tức trên mạng. Tôi đã lớn, đã trưởng thành, đã hiểu chuyện
hơn và cũng đã không còn sợ mẹ như trước nữa. Giữa tôi với bà dường như đã có sự
thấu hiểu, sự thấu hiểu mà không cần nói bằng lời.
Tác giả: Hồng Chiêu Phương
Email: phuongnt46@bidv.com.vn
Ảnh: nguồn internet
Xem thêm các bài viết dự thi khác:
Comments