Truyện ngắn: Trong tim Tháp Mười

Tôi nhìn bóng lưng đầy sương gió của ông ngoại phía trước.  Bộ đồ bà ba màu nâu đã sờn vai nhưng vẫn thẳng thớm gọn gàng. Chiếc khăn rằn đen trắng vẫn được vắt ngang hai vai vốn đã gầy trơ của ông ngoại. Những bước đi rắn rỏi của một người nông dân thứ thiệt dày dặn kinh nghiệm. Bởi ông ngoại đã gắn liền với mảnh ruộng mà ông cố để lại suốt bốn mươi năm nay. Mặc cho những anh chị em khác của ông đã bán dần, bán mòn hết để xây nhà, kinh doanh buôn bán.

Cứ mỗi lần có dịp nghỉ phép dài ngày thì tôi lại về thăm ông. Mỗi sáng thức dậy cùng ông ra thăm đồng. Cánh đồng cách nhà chừng hai mươi phút đi bộ. Theo chân ông qua suốt những con đê dài ngoằn. Nhìn những mảnh ruộng bị bỏ hoang, đất đai khô cằn vì không có người chăm bón, tôi lại cảm thấy chạnh lòng xót xa. Sao người ta lại chọn bán đi thứ đã gắn bó với họ gần hết cuộc đời? Phải chăng ước muốn đổi đời của người nông dân chất phác đang biến họ trở thành những con người đầy tham vọng. Để rồi họ quên luôn mảnh ruộng của ông bà tổ tiên, thứ di nhất đã nuôi sống gia đình họ lúc khổ cực, cơ hàn. 


Bà Năm, em gái ruột của ông ngoại đã từng nói: “Dù sao này có ra sao thì em cũng không bán mảnh đất mà cha mẹ đã để lại.” Vậy mà chỉ vài năm sau đó, không phải vì nghèo đói hay thất mùa, bà ấy đã bán đi mảnh đất thiêng liêng chỉ vì không muốn tiếp tục làm nông dân. Sau đó thì đến lượt ông Tư, ông Sáu. Từ một đại gia đình làm nông, cuối cùng chỉ còn lại mỗi ông ngoại tôi là không bỏ được nắng gió của ruộng đồng.

Trước mắt tôi là cánh đồng lúa xanh bát ngát của ông ngoại. Hít vào một hơi thật sâu, tôi nghe mùi mạ non đang chạy dọc vào bên trong hai cánh mũi. Một cảm giác tươi mát và thơm nồng hơi ấm của tuổi thơ, ùa về. Những buổi làm đồng đầy ắp tiếng cười giòn giã. Mọi người trò chuyện, đùa giỡn với nhau một cách gần gũi và hiền hòa. Một bức tranh nông thôn mộc mạc và yên bình đến kỳ lạ. Nhưng tất cả hiện tại chỉ còn nằm trong ký ức của tôi mà thôi.

Tôi được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nhưng lại yêu những cánh đồng lúa bạt ngàn của quê hương mẹ tôi, Đồng Tháp. Những ô ruộng xanh rờn mạ non, hay những khung trời vàng óng ánh nặng trĩu những hạt lúa chín thơm lừng, dường như với tôi chúng đều có sức hút rất mãnh liệt. Thỉnh thoảng mới có dịp về thăm quê nhưng tôi luôn có cảm giác thân thuộc vô cùng với nơi này. Giống như có sợi dây vô hình nào đó nối liền giữa tình yêu của tôi với sự bình dị yên ả của Đồng Tháp.

-         Quê mình đẹp quá ông nhỉ!

-         Ừ… Nhưng mai mốt chắc không còn đẹp như vậy nữa, cháu à!

Tôi nghe giọng ông thoáng buồn. Có lẽ ông đang lo lắng về tương lai, về những điều mà ngay cả ông cũng chưa thể nào biết trước.

-         Cháu tin Tháp Mười vẫn luôn là Tháp Mười thôi ông. Không phải là những gì chúng ta nhìn thấy bằng mắt, mà là ở trong lòng.

Ông quay sang nhìn tôi một cách nghiêm túc. Rồi ông xoa đầu tôi, mỉm cười:

-         Cháu ông…lớn thật rồi.

Tôi lấy tay gãi đầu ngượng nghịu. Cố bắt sang chuyện khác

-         Tí nữa cháu ghé qua nhà thăm ba mẹ anh Tâm. Trưa cháu sẽ về ăn cơm với ông.

-         Đi đâu thì đi, nhớ về sớm. Đừng có chơi bên đó lâu. Hàng xóm người ta dị nghị.

-         Dạ!

Lòng tôi bỗng thoáng buồn khi nhắc về mối tình đầu nhiều mơ ước với Tâm. Chúng tôi yêu nhau từ khi tôi vừa bước chân vào đại học. Hai bên gia đình đều yêu thương và ủng hộ cho mối quan hệ này. Nhưng vì mặc cảm hoàn cảnh, Tâm quyết định rời xa quê hương đi xuất khẩu lao động. Anh ấy bảo muốn cho tôi một cuộc sống đủ đầy vật chất, muốn tôi được sung sướng ở mai này. Nhưng Tâm đâu hiểu rằng thứ tôi cần chỉ là một cuộc sống giản dị và bình yên bên anh ấy. Dù sang giàu hay nghèo khổ, chỉ cần đủ yêu thương thì tôi và anh sẽ hạnh phúc trọn vẹn cơ mà.

Tâm bảo đi ba năm nhưng đã năm năm rồi mà anh ấy vẫn chưa trở lại. Tôi và gia đình mất hẳn liên lạc với Tâm sau hai năm anh ấy sang Nhật. Tôi không biết rồi bản thân tôi có thể tiếp tục kiên nhẫn chờ anh như Tháp Mười vẫn luôn chờ đợi anh không.


Tôi ghé sang nhà hỏi thăm sức khỏe của ba mẹ Tâm, nán lại đôi chút rồi trở về nhà ăn cơm với ông như đã hứa. Vừa vế tới cổng tôi đã nghe cậu út nói lớn:

-         Ba phải bán ruộng, chia tiền ra cho anh em tụi con làm ăn. Làm nông dân hoài thì biết bao giờ mới giàu lên được.

Tôi đứng nép ở góc ngoài vì không muốn cắt ngang câu chuyện của người lớn. Ngồi bên cạnh cậu út là cậu hai, dì ba, cậu tư. Tất cả đều đồng ý với lời đề nghị vừa rồi. Ông ngoại thì ngồi đó, lặng lẽ nhìn những đứa con của mình. Bà ngoại mất khi cậu út vừa tròn hai tuổi. Ông ngoại đã ở vậy gà trống nuôi năm đứa con thơ. Mẹ tôi là con gái thứ năm trong nhà, và cũng là người lo cho ông ngoại nhiều nhất dù ở rất xa, tận thành phố. Bốn người con còn lại của ông đều ở cùng một huyện nhưng chẳng mấy lần về thăm ông. Nay lại về ép ông bán hết ruộng vườn, chia năm xẻ bảy. Tôi thấy thương cho ông ngoại. Một đời lặn lội nuôi đàn con, nay khôn lớn hết rồi thì lại trả ơn ông như vậy đó.

-         Đó là ruộng đất ông bà nội bây để lại. Tao sẽ không bán.

Giọng ông đanh thép. Dù từ bên ngoài tôi thấy rất rõ vành mắt ông đã ửng đỏ từ nãy giờ.

-         Tụi con khổ quá nên mới kêu ba bán đất. Thằng Tí Lớn và Tí Nhỏ nhà con cũng cần tiền để cưới vợ. Chẳng lẽ ba muốn thấy cháu ngoại của ba ở vậy tới già hay sao?

Đó là tiếng của dì ba. Anh hai và anh ba, con của dì cũng có công ăn việc làm đàng hoàng trên thành phố. Mỗi tháng gửi về nhà năm, bảy triệu, làm gì đến nỗi không có tiền cưới vợ. Đúng là lấy cớ. Tôi muốn xông ngay vào để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng tôi không muốn làm ông ngoại buồn thêm, nên thôi.

-         Ba làm gì thì làm. Không bán ruộng đất và chia tiền cho tụi con là không xong đâu. Hay là ba để dành cho con bé Năm? Phải mà! Tại nó lo cho ba, còn tụi này thì không lo cho ba ngày nào.

-         Mày…

Tôi chạy ngay vào nhà đỡ lấy ông ngoại. Vì quá tức nên ông không nói được lời nào. Người mà cậu hai nhắc đến chính là mẹ tôi. Mẹ tôi từ ngày lấy chồng đã không hề nhận  một đồng nào từ ông ngoại. Thậm chí ba mẹ còn sửa lại nhà cho ông. Anh chị em nào gặp khó khăn, mẹ tôi đều hết lòng giúp đỡ. Mỗi lần con của các cậu, dì lên thành phố học, mẹ tôi đều lo cho chỗ ăn, chỗ ở đầy đủ. Mẹ dành tình cảm và quan tâm cho anh chị còn nhiều hơn cả tôi. Vậy mà giờ họ lại nói những lời khó nghe về mẹ tôi như vậy.

“Cạch…” Cậu tư, người ngồi lặng im từ nãy giờ bỗng đập tay lên bàn trà và quát lớn.

-         Rốt cuộc ba có chịu bán đất hay không?

Ông ngoại thì đứng cạnh tôi liêu xiêu như sắp ngã.

-         Tụi bây…Tụi bây…đúng là một lũ con bất hiếu.

-         Ba muốn nói gì cũng được. Miễn là chịu bán đất để chia phần cho tụi con.

Câu nói của cậu út như châm thêm dầu vào lửa. Không ai nghĩ đến những tổn thương, đau đớn mà ông ngoại đang phải cố chịu đựng. Đột nhiên tôi thấy cánh tay mình trĩu nặng. Rồi ông ngất lịm đi. Tất cả mọi người cùng nhau đưa ông vào bệnh viện. Nhận được tin mẹ tôi cũng tức tốc lên xe từ thành phố về quê.

Đứng trước cửa phòng cấp cứu, tôi nhìn những con người vừa gây ra cơn nhòi máu cơ tim cho ông ngoại. Đây có phải là những người cậu, người dì mà tôi từng hết mực kính trọng, yêu thương. Bổn phận làm con cháu tôi không có quyền phán xét hay nhận định bất cứ sự đúng sai nào. Nhưng lòng tôi đau lắm. Thương cho ông ngoại, xót xa cho mẹ tôi và thất vọng về thứ tình máu mủ ruột rà thiêng liêng mà mẹ tôi đã dạy tôi luôn phải khắc ghi trong lòng.

Cánh cửa phòng cấp cứu mở ra. Bác sĩ lắc đầu xin lỗi và tôi thì chỉ kịp thấy cô y tá kéo chiếc gra trắng phủ lên trên mặt của ông ngoại.

-         Không! Không! Ông ngoại…Ông ngoại…

-         Trang! Trang! Em tỉnh chưa? Đừng sợ! Có anh đây.

Tôi dần mở mắt và nhìn thấy Tâm. Anh ôm tôi vào lòng rất chặt. Cái ôm ấy làm tôi trở về với thực tại. Về với cuộc sống sau ba năm kể từ ngày kinh khủng ấy xảy ra. Không biết bao nhiêu đêm rồi tôi vẫn không thể nào ngủ ngon giấc. Hình ảnh cuối cùng nhìn thấy ở bệnh viện luôn ám ảnh lấy tôi. Tiếng khóc vang dội cả hành lang, ánh mắt ăn năn của những người con biết hối lỗi. Cái ôm mạnh mẽ và đầy nghị lực của mẹ. Dù khi ấy nước mắt mẹ đã rớt ướt cả bờ vai tôi. Đau đớn nhất vẫn là lúc chứng kiến người ta đến đọc bản di chúc mà ông ngoại để lại. Tất cả ruộng vườn, nhà cửa đều được chia đều cho bốn người kia. Còn mẹ tôi thì chỉ được chia mảnh ruộng nhỏ tách biệt ở gần đó. Tôi không thù hận hay căm ghét những người thân đã gây ra cái chết của ông ngoại. Mà tôi chỉ cảm thấy lòng mình bị tổn thương. Cũng may là sau đó một tháng thì Tâm trở về. Nếu không tôi không biết mình phải làm sao để vượt qua được nỗi mất mát quá lớn như vậy.


Hiện tại, tôi bỏ công việc ở Sài Gòn và về hẳn dưới này sau đám cưới với Tâm. Cả hai đang bắt đầu canh tác trên mảnh đất mà ông để lại cho mẹ tôi. Đã sắp đến mùa gặt, tôi lại sắp có dịp ngắm nghía những bông lúa chín cong oằn, nặng trĩu, óng ánh vàng, rực rỡ trong nắng mai. Như thể lần đầu tiên theo chân ông ngoại ra đồng khi còn bé xíu.

Có thể bây giờ, tôi không nhìn thấy ông nữa nhưng tôi biết ông vẫn luôn ở đây, trong tim tôi và trong tim Tháp Mười vốn đã có nhiều thay đổi.


P/s: Viết dự thi báo NLĐ mà bị rớt (híc.. híc..) 
Phong Miên
Ảnh: internet

             
               
                         
                 áo thun lucky                 
Chỉ với 39.000đ
>>>Click mua ngay

Comments