Nhớ một "người thân"

“Người thân” không cần phải chung dòng máu. Hai người xa lạ vẫn có thể trở thành “người thân”.
“Người thân” không cần một khởi đầu tốt đẹp. Hai kẻ thù vẫn có thể trở thành “người thân”.
Hai chữ “người thân” có thể biến sự xa lạ trở nên gần gũi và ngược lại.

Ai trong chúng ta cũng từng có ít nhất một người bạn thân. Và khi tình bạn đó vượt qua giới hạn của nó thì cả hai sẽ xem nhau là người thân của mình. Khi con người ta rơi vào lạc lõng, “người thân” trở nên vô cùng quan trọng, quan trọng đến mức khi ta lỡ để vụt mất đi “người thân” đó rồi, có thể ta sẽ mang theo cảm giác day dứt đến hết đời.

Tôi có một câu chuyện, muốn tâm sự với mọi người, như một lời tâm tình mà tôi đã giấu kín từ rất lâu.

Tôi ở nhà một mình từ khi lên bốn. Mẹ tôi luôn phải vắng nhà từ sáng đến tận khuya. Tôi thường ngủ một mình, ăn một mình, chơi một mình, làm gì cũng một mình. Thời gian như thoi đưa, tôi cũng dần quen với điều đó. Bản thân tôi cảm thấy sống như vậy cũng không có gì là không ổn. Và rồi một ngày, người bạn đó đã tìm đến với tôi.

Vào một buổi chiều mưa to gió lớn, tôi tan học và trở về nhà. Vừa đến cổng, tôi bắt gặp một chú chó nằm co quắp nằm ở đó. Cả người nó ướt sũng, chân rung rung nhìn rất tội nghiệp . Lúc đầu tôi định không quan tâm, nhưng bỏ nó nằm lại trong cơn mưa gió như vậy, tôi lại không đành lòng. Thế là tôi quyết định mang nó vào trong nhà.


 

Mẹ tôi vốn không thích nuôi thú cưng trong nhà, nên tôi cũng không tiếp xúc nhiều với động vật.Vì thế mà tôi chẳng biết chăm sóc nó thế nào. Tôi lấy một chiếc áo cũ, lau khô người cho nó. Tôi cho nó ăn cơm, rồi làm một ổ chăn nhỏ cho nó để nó không bị lạnh. Làm sau hết tất cả, tự nhiên tôi có cảm giác muốn cho nó ở cùng trong nhà với tôi luôn.

Lúc mẹ về, tôi phải xin mẹ rất nhiều, hứa hẹn đủ điều, để mẹ cho phép tôi giữ nó lại trong nhà. Và cuối cùng mẹ đã đồng ý với điều kiện là tôi phải có trách nhiệm chăm sóc cho nó.
Có lẽ không ai hiểu được, một người vốn sống một mình như tôi giờ đây lại có một chú chó bầu bạn bên cạnh mình, thật sự rất vui. Mỗi khi đi học về, tôi chỉ quấn lấy chú chó, mỗi khi ăn cơm tôi cũng phải mang tô ra sân ngồi ăn cùng nó, có gì tôi cũng kể nó nghe. Thời gian ở cạnh nó, tôi đã cởi mở hơn rất nhiều. Nói chuyện nhiều hơn, cười nhiều hơn. Và dần dần nó đã trở thành “người thân" của tôi.

Tôi lớn lên và bắt đầu có thêm nhiều bạn ở trường. Vào một ngày kia, tôi qua nhà bạn chơi. Vì mê chơi với bạn mà tôi bỏ đói “người thân” của tôi cả ngày. Lúc về, mẹ đã mắng tôi vì không chăm sóc tốt cho nó. Lúc đó, tôi chỉ là một đứa trẻ, và khi bị mẹ mắng, tôi đã nổi cáu với nó. Tôi đã phá ổ chăn và đuổi nó ra khỏi nhà. Rồi mẹ tôi ôm nó sang cho dì tôi nuôi. Tôi bắt đầu xa “người thân” của tôi từ lúc đó.

Tôi lại quay về cuộc sống một mình, lúc đầu thì vẫn ổn, nhưng càng về sau tôi càng thấy nhớ “người thân” của tôi nhiều hơn. Rồi đến một ngày, không chịu nỗi nữa, tôi lấy chiếc xe đạp cũ chạy sang nhà dì. Nhưng khi đến đó, tôi mới biết, “người thân” của tôi đã mất rồi. Nó tìm đường về nhà tôi, trên cuộc hành trình xa lạ đó nó đã bị xe tông. Người ta đem chôn nó ở chùa rồi báo cho dì tôi biết. Nghe tin đó xong. Tôi chỉ biết khóc.

Tôi không dám ghé chùa thăm nó, vì tôi biết nó mất là do tôi. Sâu tận trong lòng, tôi vẫn luôn day dứt về cái chết của nó – “người thân” đầu tiên trong cuộc đời đã dạy tôi cười, dạy tôi biết chia sẻ, dạy tôi cách yêu thương, dạy tôi cách quý trọng.

“Người thân” không nhất thiết phải là thứ tình cảm được sinh ra giữa con người với con người. Đó có thể là bất kỳ thứ tình cảm gì chỉ cần cảm xúc mà ta cho đi và nhận lại là chân thành nhất. Thời gian và thử thách sẽ khiến ta trưởng thành lên từng ngày, nhưng tình thương là thứ luôn tồn tại bất diệt trong lòng mỗi chúng ta. Thế nên đừng xem nhẹ những cảm xúc ấy. Bởi vì chỉ khi nào mất đi, ta mới thấy được sự tồn tại của một “người thân” nào đó quan trọng với ta đến nhường nào.

Nagi
Ảnh: internet

Comments