Nửa đêm nhớ mẹ

Mẹ ơi, mẹ có biết hôm nay là ngày gì không? Là một ngày đặc biệt mẹ ạ. Ngày mà hai mươi năm trước mẹ vật vã trong phòng sinh, chiến đấu với cơn đau đến cùng để thiên thần nhỏ bé của mẹ chào đời. Thần chết đứng chờ mẹ. Chờ một giây mẹ lơ là để cướp con đi, hoặc bắt luôn cả mẹ. Thế nhưng mẹ của con rất kiên cường. Dù đau đớn mệt mỏi tưởng sắp không chịu nổi mà mẹ vẫn vượt qua. Giống như bao bà mẹ vĩ đại khác mẹ đã thắng thần chết, một cách ngoan cường.

Một khắc sinh tử của mẹ chỉ có mẹ với bà ngoại. Ngày ấy nhà mình nghèo xơ xác. Bố phải đi xây kiếm tiền nuôi gia đình nên thời khắc ấy, bố không về kịp. Bà nội cũng già rồi nên chỉ có bà ngoại thôi. Mẹ đẻ xong, nằm ở phòng hồi sức. Ôm con trong tay mắt mẹ lệ tuôn trào. Thiên thần bé bỏng của mẹ chẳng giống như thiên thần khác. Khi bạn bè cùng trang lứa khóc oe oe thì mắt con lại tròn xoe, thao láo nhìn. Mẹ lo quá phạt con một cái vào mông, con gào lên một tiếng, mẹ mới yên lòng.

Bà nội cổ hủ nên chỉ thích cháu trai. Bố cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Vì vậy bố với bà chẳng mấy khi bồng con. Chỉ có mẹ suốt ngày ôm con âu yếm. Mẹ nghèo, lấy bố cũng nghèo nên mẹ vất vả. Cả gia tài dành dụm được mẹ đều dồn hết vào lo cho con. Mẹ chẳng bao giờ để con phải ăn bột muối. Lúc nào cũng có thịt, cá, cua, tôm nhưng bữa ăn của mẹ lại chẳng có gì.


Con lớn hơn một chút, chuẩn bị tập đi. Thấy con bé quá, sợ không đi được mẹ bắt bố đi bắt cóc, lấy đùi cho con ăn. Lúc con ba tuổi mẹ có thai em. Năm ấy nhà mình xây nhà nên kinh tế khó khăn gấp bội phần. Thế mà mẹ cũng xoay được hết. Bụng mang dạ chửa mẹ vừa làm ruộng, vừa chợ búa, vừa chăm con. Em ra đời thì con không ngủ với mẹ nữa mà con ngủ với bà. Lúc đó con ghét mẹ vô cùng vì mẹ chỉ bế em chẳng bế con.

Em được hai tuổi mẹ theo bố đi làm. Bố xây nhà còn mẹ làm phụ vữa. Mẹ vất vả đến gầy xọp cả đi. Cả người mẹ chỉ còn xương với làn da đen đúa. Lúc ấy con còn mải rong chơi nên chẳng hay biết gì. 

Cứ thế thời gian trôi đi cho đến một ngày mẹ đau lưng không đi phụ được nữa. Kể từ đó mẹ lại úp mặt với ruộng đồng, với những luống rau xanh ngắt ươn ướt mồ hôi mẹ. Thiên thần của mẹ chẳng giúp mẹ bao giờ. Con cứ mải chơi. Hết tuổi chơi con lại mải học. Niềm an ủi với mẹ duy nhất ở con lúc ấy chắc là cái danh học sinh giỏi. Mẹ chẳng khen con bao giờ cả khi con đạt học sinh giỏi cấp huyện, rồi đến cấp tỉnh. Nhưng trong đôi mắt mẹ con biết mẹ tự hào vì con.

Vì nhà mình quá nghèo mẹ nên không thể cho con tiền ăn sáng. Có hôm con ấm ức hỏi mẹ tại sao bọn bạn đều có mà con thì không. Mẹ chẳng nói gì, chỉ có đôi mắt mẹ đột nhiên ngập nước. Con chợt hiểu ra không phải vì mẹ không cho mà là vì mẹ không có để cho con.

Bạn bè con tụi nó học dốt, mẹ tụi nó khổ. Nhưng sao con học tốt mà mẹ vẫn khổ thế, mẹ ơi? Năm con lớp mười hai có lẽ là năm mẹ khổ sở nhất. Con đòi mẹ cho học thêm. Một chỗ chưa đủ, con đòi học hai chỗ vì con sợ con không đỗ vào trường con mơ ước. Ước của con đè nặng lên đôi vai mẹ. Ước mơ của con phủ đầy lên khóe mắt mẹ những vết chân chim.

Nhưng cuối cùng con vẫn không đủ điểm vào ngôi trường mơ ước đó. Chán nản, con đăng ký xét tuyển vào một trường đại học ở quê. Rồi con học hành chẳng ra gì. Con rớt môn. Con bỏ học liên tục. Con vừa học vừa đi làm và rồi như bao đứa con gái khác, con lớn lên và bắt đầu tình yêu đầu đời nhiều mơ mộng. Rồi con học đòi ra ở riêng, mặc kệ mẹ bất lực ngăn cản, con vẫn dứt khoát dọn đi. Thế là mẹ con mình giận nhau. 

Sau đó, con bị thủy đậu. Vì con sợ mẹ vẫn còn giận con nên con tự chữa một mình mà chẳng nói gì cho mẹ biết. Bệnh tái phát nặng hơn, mặc dù vẫn được bạn con ở bên chăm sóc. Nhưng con lại vẫn nhớ mẹ rất nhiều mẹ à. 
Đêm đó, mẹ gọi cho con, chỉ nói đúng một câu: “Mày về nhà ngay không chết bây giờ”. Con thì chúa sợ chết nên vội vàng bắt taxi về ngay trong đêm. Chẳng hiểu vì sao mẹ biết, nhưng mà lúc ấy con thấy biết ơn người đã nói chuyện này với mẹ. Thủy đậu kiêng gió kiêng tanh. Con chẳng dám đi ra ngoài. Còn mẹ thì cứ đều đặn ngày hai bận nấu cháo thịt lợn, đun nước tắm và bôi thuốc cho con. Sinh viên đại học rồi mà vẫn để mẹ chăm như con nít. Khi ấy con nghĩ “Dù có bốn, năm mươi tuổi đi chăng nữa thì khi ở bên mẹ, con vẫn là trẻ con”.

Theo học được một năm rưỡi thì con bỏ học hẳn. Mẹ biết chuyện mẹ buồn. Mẹ buồn cho số tiền mẹ bỏ ra thì ít mà sợ cuộc đời con sau này sẽ khổ thì nhiều. Tính con cứ ngang. Mẹ nói con chẳng bao giờ nghe. Con theo người yêu về quê anh ấy làm ăn mà ở nhà mẹ vẫn lặng im giấu bố chuyện con bỏ học. 

Ngày đầu tiên về nhà anh ấy, mẹ anh ấy đã tỏ thái độ không thích con. Con đã buồn và đã khóc rất nhiều. Rồi công việc làm ăn không được như mong muốn. Người con yêu bỗng chốc như thay đổi thành một con người khác. Trước đây, khi cãi nhau anh ấy rất sợ con khóc. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác. Anh ấy thờ ơ, rồi dần dần khó chịu. Còn lần này anh ấy bỏ đi ra ngoài mặc kệ con nức nở. 

Con nằm một mình trong phòng. Con nhớ lời mẹ khuyên can trước lúc con đi: “Làm ăn thuận lợi thì không sao chứ làm ăn không được thì ba bữa lại cãi nhau thì sống làm sao được”. Lời mẹ đến nay đã đúng. Con hi sinh vì anh ấy nhiều thế đổi lại được gì? Giá mà con nghe lời ở nhà với mẹ thì hôm nay con đâu phải đau khổ như thế này. 

Nếu không có vụ cãi nhau hôm nay thì không biết đến bao giờ con mới ngồi đây viết những dòng này và nhớ đến mẹ, nhớ đến quá khứ vất vả của mẹ vì lo lắng cho một đứa con gái bướng bỉnh như con. Con muốn về nhà, ngay bây giờ mẹ ạ.

Mẹ ơi, con muốn về nhà!
Về với vòng tay yên bình của mẹ.
Về với mái nhà ngói đỏ cũ kĩ tràn ngập tiếng cười khúc khích tuổi thơ.
Về với luống rau nuôi con lớn từng ngày.
Mẹ ơi, ngay lúc này con muốn nói con nhớ mẹ lắm.

Ngay giờ phút này đây, con nhận ra mình thật tệ. Tệ suốt hai mươi năm qua. Nhưng con không muốn nói lời xin lỗi với mẹ thông qua những dòng này. Một ngày con trở về nhà, mang về cho mẹ một đứa con gái trưởng thành và chín chắn. Khi ấy con sẽ trực tiếp nói lời xin lỗi với mẹ. Ngày đó sẽ đến thật nhanh thôi. Bởi vì từ ngày mai, con sẽ làm lại từ đầu mẹ ạ. Con sẽ không để mẹ tiếp tục lo lắng vì con thêm nữa. Lời cuối cùng con muốn nhắn gửi đến mẹ là: "Mẹ hãy chờ con trở về mẹ nha". 

Cáo Sa Mạc
Ảnh: internet

Comments