Mong đổi đời

Làng quê ngày ấy nghèo, thanh niên trong làng lần lượt rủ nhau ra nước ngoài làm việc, cha mẹ ở lại canh tác ruộng, buôn bán rau, và làm những công việc lặt vặt, thời gian sau các thanh niên trở về xây nhà cao cửa, trong làng càng ngày nhà càng được dựng cao lên, phá đi ngôi nhà hai gian, thay vào đó là những ngôi nhà Thái, nhà lầu to cao đẹp mắt, mỗi lần ai ngang qua cũng phải ngoái cổ khen trầm trồ, khen mấy đứa thanh niên giỏi thật, tuổi trẻ tài cao.

Thế nhưng người ta đâu có biết, những đứa con của họ sang nước ngoài làm việc cực nhọc, có khi tăng ca và ăn uống kham khổ, chi tiêu tiết kiệm, để có tiền gửi về gia đình.
Và anh là một trong những số người lao động ở nước ngoài, bon chen, bỏ sức để đổi lấy đồng tiền thật vất vả, có những lúc phải ăn cơm thật vội vàng, cũng có khi ngủ đại ngay chỗ làm.

Theo hợp đồng làm ba bốn năm, và trong khoảng thời gian đó anh ít được về nước thăm gia đình. Nỗi niềm xa xứ, nỗi nhớ quê hương chỉ có những đứa con lao động ở nước ngoài mới thấu hiểu, may mắn thì giàu, còn không trở về tay trắng.


Đâu phải cứ sang nước ngoài là giàu có, đâu phải cứ sang đó rồi về mong đổi đời.
Anh nhớ lại khoảng thời gian đó, mà tự thấy thương cho bản thân mình, và thương cho những người đi xuất khẩu lao động, lúc đó từ nước ngoài trở về, con gái không chịu nhận anh là cha, vì lúc nó sinh ra cũng hơn ba năm chưa gặp, lấy đâu nó chịu nhận với gương mặt lạ lẫm, mất thời gian hơi dài nó mới chịu gọi "Ba" chứ hồi đó nó toàn gọi là "Chú".

Đứng trước hương khói, nhìn gương mặt hiền khô của thằng bạn, nó bị tai nạn lao động, nhà lo vay mượn tiền mới đưa nó về nước được, tự nhiên anh cảm thấy chạnh lòng. Ngày xưa hai đứa rủ cả đám cùng ra ruộng lúa chơi, cùng thả diều, cùng đá banh, và thi thằng nào câu cá nhiều hơn. Vào mùa lũ nước ngập, cả lũ làm bè chuối ngồi chèo ngã trầy trật.

Khi lớn lên nghe đồn ra nước ngoài nhanh giàu, sẽ không nghèo khổ nữa, nhưng khi đi rồi mới biết, không ở đâu sướng bằng quê hương mình, có thèm ăn gì thì mua với giá rẻ, còn ở nước ngoài đến 1 trái chuối tính nhẩm ra hơn hai chục ngàn 1 trái, mà ở quê thiếu gì, mua rẻ hều.

Ở đâu cũng vậy, đồng tiền lớn thì phải chấp nhận giá cả vật chất lớn.

Anh buồn bã nhớ khoảng thời gian khó khăn ở nước ngoài, lạ nhiều thứ, mà công việc thì ngập mặt hiếm khi được đi chơi.

Trong xóm bà con láng giềng ai cũng hớn hở, nhà nào có con đi nước ngoài là nở mày nở mặt, khoe khắp nơi, cứ nghe hai chữ “Nước ngoài” là thấy sướng rồi. Mà họ đâu có biết , con họ cực vậy chứ có dám kể lể ra đâu. Đứa nào chưa đi thì tưởng sướng, chứ đi rồi sướng thiệt, mồ hôi mồ kê , đứng mỏi chân, hoặc ngồi cả mười mấy tiếng, tối về nằm dốc cẳng lên cao mà rên hì hụi, tùy theo công việc, thời gian quen rồi thì thấy bình thường, không sao nữa. Và công việc cũng có vậy lặp đi lặp lại, như một con rô bốt sống được vặn dây cót sẵn.

Anh ngồi trước hiên hóng gió, văng vẳng nghe tiếng cười lớn của nhà hàng xóm, mới biết tin có con từ nước ngoài về thăm nhà, nghe “sang… chảnh”  thật.

Võ Vạn Trang
Ảnh: internet

Comments