Cây bút không có mực

Sài Gòn buổi chiều hay mưa, tôi đứng trong cửa hàng thơ thẩn ngó ra ngoài cửa, quên mất mình đang làm hoa cho khách. Có thằng nhỏ chạy xe đạp tới ngã tư nó quẹo trái, vì đường trơn nên nó ngã nhào xuống, những chiếc xe sau dừng lại, nó đứng dậy khom lưng nhặt giấy vở nhét vào cặp, phủi mông vài cái, rồi dựng xe tỉnh queo chạy một mạch. Nhìn phía lưng nó thấy ướt nhẹp, tôi chặc lưỡi định tiếp tục công việc, thì bất chợt thấy cây bút mực bị chiếc ô tô chạy ngang qua chèn bể nát. Màu mực loang ra, hòa vào nước mưa nhạt dần. Tự nhiên gợi lại kỷ niệm thời còn là học sinh.

Tháng ngày ấy chẳng bao giờ quay trở lại nữa, không bao giờ và mãi mãi. Nhưng nó vẫn còn là kỷ niệm đẹp trong tôi.

Bạn cùng bàn là lớp phó học tập, da trắng luôn luôn đeo kính cận, và ít nói nhất trong lớp, cậu ta học rất giỏi, nhưng sang học kỳ hai đột nhiên trùng lại rồi rơi xuống trung bình. Tôi không thích cậu ta vì da cậu ta trắng hơn tôi rất nhiều, mỗi lần hai đứa đi chung đều bị lũ bạn so sánh, tôi bực tới mức xin cô chuyển chỗ mấy lần nhưng đều thất bại. Tôi càng né tránh, cậu ta lại càng sáp gần tôi hơn.


Thỉnh thoảng mượn dụng cụ học tập, và thỉnh thoảng hỏi tôi những câu như: “Nếu chỉ còn một ngày để sống, với số thời gian rất ít ỏi đó, cậu làm gì để không hối tiếc?” hoặc “Đừng phí thời gian vào những thứ không có lợi, mà phí vào những thứ có ích lâu dài sau này”. Lúc đó tôi chưa nhận thức được ý nghĩa câu nói đó, tôi cho thằng bạn quá già đời, mà cậu ta già đời thật.

Nhưng cũng chẳng hiểu, cứ một tuần đều đặn ba ngày lại tặng cho tôi cây bút không có mực, tôi cũng nhận lấy gom vào bịch ni lông vứt vào tủ quần áo, để xem cậu ta tặng tôi bao nhiêu cây bút mới dừng lại.

Gần hai năm tôi ngồi cùng bàn với cậu ấy, mãi cho đến khi giữa học kỳ hai của năm cuối cấp ba, thì tôi mới biết được thông tin về gia đình cậu. Không có cha cũng không có mẹ,  mồ côi sống với bà dì ruột, ban ngày đi học, ban đêm phụ dì đẩy xe đi bán hủ tiếu, đến khuya mới có thời gian xem lại bài vở, cuộc sống cậu cứ lặp đi lặp lại như vậy.

Thấm thoát thì kỳ thi cũng kết thúc. Khi tấm bằng tốt nghiệp được trao cũng có nghĩa là lúc tôi phải xa bạn bè, thầy cô, xa mái trường thân thuộc gắn bó ba năm liền. Còn nhớ hôm ấy, nước mắt đứa nào cũng tuôn ra, mạnh mẽ lắm thì cũng rưng rưng nhẹ.

Bữa đó, cậu ấy lại tặng cho tôi một cây bút, rồi dặn rất kỹ, về nhà nhất định nhớ mở ra xem.
Tối ăn cơm xong tôi lại bàn ngồi, mở nắp bút, rồi rút ruột ra xem, thì tôi mới phát hiện có tờ giấy dài với dòng chữ nho nhỏ được cuốn lại cạnh ruột bút tỉ mỉ, dòng chữ “Tớ thích cậu”. Và tôi đã chạy ngay vào tủ quần áo, lôi cả mấy chục cây bút ra. Tất cả mảnh giấy nhỏ đều ghi một dòng chữ y chang như vậy.

Nhưng thật tiếc tôi cũng không có cơ hội để nói với cậu rằng “ Tớ cũng thích cậu”.
Mà cậu ấy cũng ác thật, chia tay mới chịu nói, mà cũng đâu có nói thẳng, phải thông qua cây bút.

Thời gian cũng đã lâu rồi, giờ không biết cậu ấy làm gì và ở đâu. Hiện tại, thì tình cảm ấy cũng phai dần và tan như màu mực ngoài kia, chỉ còn là cây bút bể không mực. Đang mãi quẩn quanh suy nghĩ vu vơ, chợt có một người thanh niên bước tới, nhìn tôi mỉm cười, đặt làm một bó hoa để tặng cho người yêu, còn dặn nhớ làm cho thật đẹp.

Tôi nhận lấy tờ giấy có ghi địa chỉ, vẫy chào anh ta.
Sài Gòn bỗng chốc tạnh mưa, đường ráo hoảnh.

Võ Vạn Trang
Ảnh: internet

Comments